Friday 9 March 2012

Ha Noi giam un tac trong ngay dau doi gio

(CL)- Sáng 1/2, ngày đầu tiên Hà Nội tiến hành điều chỉnh giờ làm việc, học tập trên địa bàn 12 quận, huyện, theo đó việc đi lại trên nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, do lượng người tham gia giao thông không nhiều nên chưa phản ảnh được tình trạng giao thông trong ngày đầu tiên đổi giờ học và giờ làm việc.

Đường Trường Chinh, đoạn Ngã Tư Vọng thường xuyên xảy ra ùn tắc
sáng nay đã thông thoáng hơn


Ngay từ đầu giờ sáng nay, chúng tôi đã có mặt trên nhiều tuyến đường của Hà Nội để ghi lại những hình ảnh của người dân đi lại trong ngày đầu thành phố tiến hành đổi giờ để chống ùn tắc.


Theo ghi nhận của PV vào khoảng thời gian từ 6h30- 8h sáng nay, hầu hết tại các đường mà ngày thường được xem là những điểm nóng về tắc nghẽn giờ cao điểm như Trường Chinh, Tây Sơn, Chùa Bộc, Láng, Láng Hạ, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng… thì nay đường tuy có đông, nhưng không xảy ra tắc nghẽn.

Trên tuyến đường Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, nơi có nhiều trường học tập trung, sáng nay lưu lượng giao thông có giảm so với những ngày trước, tình trạng ùn tắc do xe ô tô đưa đón con dàn hàng ba, hàng tư đã không xảy ra.

Tại các tuyến đường trên, mặc dù lượng phương tiện giao thông cá nhân tham gia lưu thông vẫn đông nhưng xe cộ vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm, không phải dừng lại do ùn tắc, khác hẳn với những ngày trước đó khi vào các giờ cao điểm, cảnh ùn tắc xảy ra thường xuyên, thậm chí nhiều vụ ùn tắc kéo dài từ 15- 20 phút.

Nhiều người dân Hà Nội nhận định tình hình đi lại được cải thiện hơn, phần lớn các tuyến đường thường xuyên ùn tắc tuy vẫn đông nhưng dễ đi. Tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra trên một số đoạn mật độ đông và tuyến phố nhỏ nhưng kéo dài không quá lâu.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều người dân đi lại trên một số tuyến đường Hồ Đắc Di, Trường Chinh, đường Hạ Đình… do lòng đường hẹp, cho nên tại một số ngã ba, ngã tư khi xe ô tô ở trong ngõ chạy ra, quay đầu,vẫn xảy ra ùn tắc cục bộ.

Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả chuẩn xác vì nguyên nhân do số sinh viên sau kỳ nghỉ Tết chưa tập trung trở lại đầy đủ. Sinh viên nhiều trường đại học vẫn chưa đến trường; Số lượng người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa lên Hà Nội. Ngoài ra, ngày đầu xuân, các cơ quan TƯ và các tỉnh, thành phố đến Hà Nội công tác chưa .

Việc điều chỉnh này có tác động mạnh nhất đến học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và kéo theo sự đảo lộn rất lớn đối với cuộc sống của nhiều gia đình. Vì vậy, ngay trong ngày đầu tiên, những người nằm trong đối tượng áp dụng quy định này đang loay hoay, bỡ ngỡ và phải tập làm quen.

Theo Sở GD- ĐT Hà Nội, số học sinh phải thực hiện giờ học mới chiếm khoảng 30% tổng số học sinh toàn thành phố, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành cũ và sẽ phải chịu tác động ở những mức độ khác nhau vì chuyện đổi giờ học.

Trong sáng nay 1/2, theo phản ảnh của đại diện một số trường THPT trên địa bàn nội thành, tỉ lệ học sinh đến muộn nhiều hơn do chưa quen với giờ học mới.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nhận định rằng, giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học mà Hà Nội thực hiện, nếu hiệu quả nhất thì cũng chỉ làm thay đổi 70% lưu lượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm.

Vinh Lộc
( Tổng Hợp )

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment

Related posts