loa | may nghe nhac | driver |
Người thầy giỏi giang, thân thiện và tâm huyết với nghề
Hơn 20 trong vai trò một nhà giáo, nhắc đến thầy Hùng, ai cũng phải thốt lên: "một thầy giáo rất tâm huyết với nghề".
"Tôi đã tự xác định, nếu đã theo nghề dạy học thì không thể thiếu trách nhiệm của người thầy. Đó là một trong những động lực thúc đẩy tôi phải phấn đấu để dạy giỏi".
Và cũng chính bởi động lực ấy, thầy đã trở thành giáo viên dạy tốt có tiếng trong tỉnh. Rồi từ trường phổ thông cấp huyện (Vụ Bản, Nam Định), thầy được chuyển lên dạy ở trường chuyên của tỉnh nhà. Thầy gắn bó với THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Đinh) cũng bắt đầu từ khi ấy (năm 1992).
Lúc về trường, thầy vẫn còn trẻ lắm. Anh giáo dạy toán Cao Xuân Hùng khi đó còn chưa bước tới tuổi 30. Thế nhưng được sự tín nhiệm của nhà trường, thầy đã được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy Toán và bồi dưỡng học sinh giỏi thi quốc gia của tỉnh nhà. Với suy nghĩ, thành công của học trò cũng là sự thành đạt của chính mình, thầy Hùng đã dành trọn thời gian, tâm lực, trí lực tìm tòi tài liệu để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và theo kịp xu hướng đổi mới kiến thức của các nước để giảng dạy cho học sinh. Và không phụ công thầy, nhiều lớp học trò do thầy giáo Hùng bồi dưỡng đã đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế.
Với những thành tích và sự cống hiến của mình cho trường, cho tỉnh, năm 2008, thầy Hùng được bổ nhiệm là hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.
Tuy là "lãnh đạo cấp cao" nhưng hiệu trưởng Hùng vẫn tham gia vào tổ Toán của trường. "Khi có đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường, các thầy các cô ở tổ bộ môn phân công thì mình đi dạy. Lúc đó thầy cô ở tổ là thủ trưởng mà", thầy Hùng hài hước nói.
Là lãnh đạo nhưng thầy Hùng rất thân thiện, cởi mở với học sinh và các giáo viên trong trường nên được nhiều người quý lắm. "Năm vừa rồi em đạt HCB Olympic vật lý, thầy Hùng đã gọi em lên nói chuyện. Em nhớ lắm lúc thầy chúc mừng em rồi dặn dò: con đường tiếp theo còn nhiều gian nan, đây mới chỉ là những thành công bước đầu, đừng tự cho mình là người chiến thắng hay người nổi tiếng mà phải tiếp tục cố gắng hơn nữa... Em rất thấm thía lời thầy và phấn đấu để không phụ lòng mong đợi của thầy cô", Quyền, HCB Olympic Vật Lý tâm sự.
Người lãnh đạo dám "chạy theo" xu hướng hiện đại hóa
Thành công lớn nhất trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào trường học của thầy Cao Xuân Hùng chính là cho ra đời thư viện điện tử.
"Lúc đó mình nghĩ, thư viện giấy thì cùng 1 lúc, một tài liệu chỉ một người đọc được. Với thư viện số, cũng cùng một nội dung, một thời điểm, rất nhiều người có thể xem mà lại đọc không phải mất tiền. Thế là ý tưởng lập thư viện điện tử trong trường nảy ra. Và có ý tưởng thì làm thôi", thầy Hùng chia sẻ.
Nhưng, từ ý tưởng đến việc thực thi lại mất quãng thời gian khá dài. Bởi từ những năm 2000, máy tính nối mạng mới bắt đầu "len lỏi" vào các trường phổ thông tỉnh lẻ. Có ý tưởng, được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ các cựu học sinh nhưng "ai làm nội dung" trong khi tài liệu rất nhiều và nhân lực và tài chính đều hạn chế. Thế là, phải mất đến 6 năm "thai nghén", thư viện số của trường mới ra đời.
Lập website thì dễ nhưng nuôi nó và để nó mang lại lợi ích cho nhiều người lại là việc thật chẳng dễ dàng. Trách nhiện đè nặng lên vai hiệu trưởng Cao Xuân Hùng. Và thế là, dưới sự chỉ đạo, chỉ bảo và khuyến kích của hiệu trưởng, các giáo viên trong trường đã được bồi dưỡng kiến thức công nghệ để có thể thoải mái làm việc với thư viện tiện ích này.
Đến nay, thư viện điện tử đã trở thành nơi lưu trữ, chia sẻ tài liệu rất hữu ích của giáo viên và cả học sinh trong trường. Ở thư viện đó, các học sinh có thể tìm thấy đề thi các năm, tài liệu tham khảo các môn hay xem những chuyên đề mà thầy cô chia sẻ cho học trò. Với các giáo viên thư viện điện tử là nơi lưu trữ giáo án, tài liệu và là không gian để trao đổi chuyên môn. Nhật ký của trường cũng liên tục được up date nên dù ở đâu, chỉ cần chiếc máy tính nối mạng, người hiệu trưởng cũng có thể nắm bắt hoạt động trong trường.
Bởi tính tiện lợi ấy, thư viện số được giáo viên và học sinh trong trường rất hưởng ứng. "Các anh chị ngày xưa cứ phải vất vả xin đề thi khóa trước về giải. Bây giờ bọn mình cứ vào thư viện điện tử của trường là có hết. Tiện lợi lắm" - Minh, lớp 11 nói.
Mở thư viện số, phủ wifi kín trường, thầy Hùng tỏ ra khá nhanh nhạy trong việc đưa công nghệ hiện đại vào trường học. Ở tuổi gần 50, với nhiều người, công nghệ là thứ gì đó thật xa vời và thờ ơ. Đối với thầy Hùng lại khác. Thật ấn tượng khi một giáo viên tỉnh lẻ cũng "bắt nhịp thời đại" khi dùng facebook - trang xã hội được giới trẻ mê mệt. "Mình cũng vào facebook hay các trang mà bọn trẻ quan tâm và xem các em dùng ngôn ngữ gì, quan tâm, mong muốn điều gì", thầy Hùng chia sẻ. Thầy còn dí dỏm nói rằng: "Mình già rồi thì cũng phải tự làm mới mình thôi". Nhưng ngẫm ra, cách "làm mới mình" ấy cũng chính là cách khiến người giáo viên nắm bắt, thấu hiểu tâm lý học trò hơn.
Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục, năm 2010, thầy Hùng đã được bộ giáo dục trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Phong Hiếu
No comments:
Post a Comment