Friday, 24 February 2012

Duong su dung ngoai cuoc

News | international scholarship | dien toan dam may | thong tin hoc bong | thong tin du hoc | hoi dap yahoo |

"Đương sự" đứng ngoài cuộc?

(HNM) - Bức tranh về hiện tượng tiêu cực xảy ra trong môi trường học đường như học sinh, sinh viên sử dụng bạo lực; thiếu văn hóa trong giao tiếp, sinh hoạt; gian lận trong học tập, thi cử, coi thường kỷ luật nhà trường, thiếu ý thức tôn trọng và làm theo pháp luật... đã được "vẽ" một cách rõ hơn qua nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu Thanh niên tại bốn địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh…



Hành vi lệch chuẩn: chuyện bình thường!

Kết quả nghiên cứu trên 1.200 học sinh (HS), sinh viên (SV) cho thấy, ở các hành vi lệch chuẩn trong học tập, thi cử, 23% số người được hỏi cho rằng, việc đi học muộn, bỏ học, nghỉ học không xin phép là hiện tượng bình thường. Đáng chú ý, trên 25% số HS, SV đồng tình với quan niệm cho rằng "quay cóp trong kiểm tra, thi cử là điều tất nhiên", thậm chí còn "lý sự" "không quay cóp không là HS"; gần 25% số người được hỏi còn phân vân. Một nửa còn lại thì phản đối quan điểm này. Xu hướng không tán thành các hành vi lệch chuẩn trong thói quen hằng ngày của HS, SV như viết, vẽ lên tường, lên bàn ghế, vứt rác tùy tiện nơi công cộng chỉ chiếm trên 40%. Số có xu hướng đồng tình với những biểu hiện trên chiếm tỷ lệ tương đương. Điều này cho thấy, ý kiến của giới trẻ đối với những biểu hiện chưa chuẩn về văn hóa, ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn tài sản chung còn hạn chế.

Một trong những hành vi lệch chuẩn đáng chú ý trong giao tiếp ứng xử hiện nay của những người còn ngồi trên ghế nhà trường là hiện tượng sử dụng ngôn ngữ thiếu văn hóa ở môi trường học đường (nói tục, chửi thề, nói trống không với người lớn tuổi, sử dụng tiếng lóng để nói về người khác). Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 70,6% HS, SV khẳng định hiện tượng sử dụng tiếng lóng đang hiện hữu. Trên thực tế, nhiều giáo viên bị học trò gọi bằng những biệt danh như "cá bảy màu", "chú lùn", "cây sậy" "hạt mít"… tùy vào hình dáng hoặc tính cách của thầy, cô…


Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống đẹp cho học sinh, sinh viên.

Mặc dù còn tồn tại những ý kiến khác nhau về quan hệ tình dục trước khi kết hôn và thể hiện tình yêu nơi công cộng, nhưng kết quả khảo sát cho thấy, xu hướng chung của HS, SV không đồng tình. Nói cách khác, trong quan hệ tình yêu, hôn nhân, các giá trị truyền thống vẫn được đa phần giới trẻ coi trọng bởi có khoảng 1/5 số người được hỏi cho rằng thể hiện tình cảm yêu đương thái quá nơi công cộng là điều bình thường. Họ có xu hướng đề cao tự do cá nhân và quan niệm rằng xã hội cần phải tôn trọng điều đó.

Hạn chế hành vi lệch chuẩn: đứng ngoài cuộc

Phần đông HS, SV (chiếm 61,2%) bất bình trước các hành vi lệch chuẩn, nhưng chỉ 13,8% cho rằng họ sẽ bộc lộ thái độ khi vấn đề có liên quan đến bản thân, số có thái độ tích cực chỉ là 22,8%.

Khi được hỏi ý kiến về hành vi ứng xử trong mối quan hệ với thầy, cô giáo chỉ có 15,4% HS, SV trả lời sẽ chào hỏi khi thầy cô nhận ra họ và 2,2% nói rằng sẽ tìm cách tránh mặt nếu có thể. Khi chứng kiến bè bạn chế nhạo, vô lễ với thầy cô, 20% HS, SV im lặng bỏ qua và coi đó là chuyện của mỗi cá nhân. Trong việc thực hiện các quy định học tập, thi cử, 23,5% HS, SV cho rằng, trong giờ kiểm tra hoặc thi, nếu thấy có nhiều bạn mang tài liệu ra chép thì mình cũng chép; 50,8% khẳng định không quay cóp, ai làm kệ họ; chỉ có 2,2% sẽ phản ánh ngay với giáo viên.

Một vài con số trên cho thấy, giới trẻ thờ ơ với việc làm chưa chuẩn và coi việc giải quyết những điều chướng tai, gai mắt không phải của mình mà là của người có trách nhiệm nào đó.

Bên cạnh việc "vẽ" ra một bức tranh về hành vi lệch chuẩn trong giới trẻ, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các nguyên nhân chính. Phương pháp giáo dục của cha mẹ đối với con cái chưa phù hợp được các nhà nghiên cứu đề cập đến đầu tiên. Nuông chiều con cái theo sở thích song lại chưa thật sự nắm bắt được tâm sinh lý của chúng, chưa gương mẫu trong mọi sinh hoạt để con cái noi theo. Bên cạnh đó là môi trường sống thiếu lành mạnh với nhiều tệ nạn xã hội, nhiều kênh truyền thông bạo lực như game, truyện tranh bạo lực… Ở trường học, nhiều giáo viên hiện chưa quan tâm đến tâm sinh lý của HS, SV, chương trình giáo dục còn thiên về dạy kiến thức hơn là rèn đạo đức, lối sống.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu Thanh niên) cho rằng, trong việc điều chỉnh hành vi lệch chuẩn trong HS, SV, gia đình và nhà trường có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong gia đình, bố mẹ, anh chị phải gương mẫu; ở trường học cần tăng cường vai trò của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trong việc hình thành nếp sống đẹp cho HS, SV.

Thực trạng không mới, nguyên nhân và giải pháp cũng cũ, vậy làm thế nào để hạn chế hành vi lệch chuẩn của giới trẻ?

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment

Related posts